Thực phẩm biến đổi gen (GMO – Genetically Modified Oganism) là một trong những sản phẩm ưu việt mà ngành công nghệ sinh học mang lại cho ngành nông nghiệp nói riêng và đời sống con người nói chung.
Thực phẩm biến đổi gen được tạo ra bằng kỹ thuật chuyển gen nhằm thêm, bớt hoặc chọn lọc các gen có lợi để chuyển vào sinh vật đích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của những sinh vật này.
Sự ra đời của biến đổi gen đã tạo nên những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt, khả năng chống chịu với những biến đổi của thời tiết cao, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng trong quá trình phát triển góp phần đảm bảo nguồn lương thực, xóa đói giảm nghèo cũng như tiết kiệm được nhân lực, đất đai sản xuất, giảm thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Ngoài ra, với thực phẩm biến đổi gen, một số giống cây cho giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn so với những cây truyền thống như hàm lượng folate, vitamin C hay sắc tố thực vật anthocyanin, beta – carotene,…
Cà chua tím là thực phẩm biến đổi gen với hàm lượng anthocyanin cao hơn
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thực phẩm biến đổi gen cao, theo số liệu điều tra năm 2020, diện tích đất trồng các giống cây biến đổi gen của Việt Nam là 30 – 50% diện tích đất nông nghiệp và hầu hết thực phẩm biến đổi gen xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt như đậu nành, ngô, bí đỏ, củ cải đường, cà chua, thậm chí là sữa,…
Vậy thực phẩm biến đổi gen có an toàn không? WHO đã đưa ra công văn chính thức rằng những loại thực phẩm biến đổi gen trên thị trường thế giới hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn an toàn và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ở những quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào về tác động tiêu cực của thực phẩm biến đổi gen lên sức khỏe con người.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng lo ngại về nguy cơ gây dị ứng, kháng thuốc kháng sinh hay nguy cơ ung thư khi ăn thực phẩm biến đổi gen, ví dụ như giống đậu nành có chứa gen của hạt hạch có thể nguy hiểm cho người có cơ địa dị ứng với hạt. Tất cả những lo ngại này đều chưa có bằng chứng xác thực và vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học. Vì thế, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã xây dựng các văn bản quản lý an toàn sinh học đối với thực phẩm biến đổi gen nhằm kiểm soát các nguy cơ và đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Cách nhận biết thực phẩm biến đổi gen
- Nhận biết bằng hình thái bên ngoài: Các thực phẩm biến đổi gen thường có những đặc điểm như kích thước lớn, đẹp, thơm ngon và mùi vị lạ so với các loại thực phẩm bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, nông sản sở hữu những ưu điểm vượt trội trên cũng có thể được tạo ra bằng phương pháp lai tạo tự nhiên.
- Nhận biết bằng nhãn sản phẩm: Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện theo quy định quốc tế, nếu sản phẩm nào có hơn 5% thành phần là từ nguyên liệu biến đổi gen thì phải dán nhãn thực phẩm biến đổi gen. Nếu trên nhãn sản phẩm có cụm từ “GMO – free”, “Non – GMO” hoặc “Sản phẩm không có thành phần biến đổi gen” thì các sản phẩm này có thể chứa thành phần nguyên liệu biến đổi gen nhưng không quá 0,9%.
- Nhận biết bằng mã code: Các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ có mã code được dán trên sản phẩm. Mã code của thực phẩm biến đổi gen sẽ gồm 5 chữ số và bắt đầu bằng chữ số 8, nếu mã code bắt đầu bằng chữ số 9 hoặc 5 thì sẽ là thực phẩm hữu cơ tự nhiên.
Chính vì vậy, người tiêu dùng cần chủ động trang bị kiến thức để nhận diện cũng như lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Thùy Duyên.