Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, đối với hoạt chất Fipronil lượng ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được (ADI): 0,0002 (mg/ kg khối lượng/ ngày) và nồng độ dư lượng tối đa của thuốc bảo vệ thực vật (MRL) (đơn vị tính là mg/ kg trọng lượng sản phẩm) có mức quy định với một số loại như chuối: 0,005, các loại bắp cải: 0,02, ngô (bắp): 0,01,…
Hoạt chất Fipronil tác dụng chậm, thời gian cách ly dài (14 ngày) và theo thói quen nông dân thường 7 – 10 ngày phun định kỳ 01 lần nên thường xảy ra tình trạng dư lượng vượt mức tối đa cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm lân hữu cơ, có phổ tác dụng rộng, hiệu lực trừ sâu nhanh bằng con đường tác động tiếp xúc, vị độc và xông hơi nên hiệu quả trong phòng trừ nhiều loại sâu hại thuộc nhóm miệng nhai, chích hút, nhện trên nhiều loại cây trồng như cây lúa, đậu tương, đậu phộng, điều.... Nhưng hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm độc II, tương đối độc với ong và cá, thời gian cách ly khá dài (7 – 14 ngày) do đó hoạt chất này chỉ được đăng ký trên lúa, cây công nghiệp (cà phê, ca cao, mía, tiêu,…) không được đăng ký sử dụng trên rau và cây ăn quả. Sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl liên tục dễ hình thành tính kháng, bộc phát dịch hại vì Chlorpyrifos Ethyl là hóa chất diệt côn trùng phổ rộng.
Ngày 12/02/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm 228 loại thuốc thương phẩm có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và 152 loại thuốc thương phẩm có Fipronil (trong đó có 10 loại thuốc thương phẩm có chứa cả hai hoạt chất này). Vì vậy, từ ngày 12/02/2021 không được sử dụng và buôn bán thuốc BVTV chứa 02 hoạt chất trên.
Hiện nay, bà con nông dân có thể sử dụng các loại thuốc thay thế để trừ kiến trên thanh long như Dantotsu 50WG (hoạt chất Clothianidin) được đăng ký trừ kiến trên thanh long (theo Danh mục théo BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2020; hoặc có thể một số loại hoạt chất khác đăng ký trên cây ăn quả như Thiamethoxam (Actara 25WG, Thiamax 25WG), Abamectin (Abagold 38EC, Brightin 4.0EC), Azadirachtin (Neem Nim Xoan Xanh green 0.3EC)…
Từ ngày 12/02/2021, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa 02 hoạt chất Fipronil và Chlorpyrifos Ethyl cho trái thanh long và lúa.
Để kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long và các mặt hàng nông sản khác, thiết nghĩ các tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản phải thường xuyên gửi mẫu tới Trung tâm phân tích để kiểm tra giám sát dư lượng tồn dư trong nông sản, nhất là trái thanh long không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chứa 02 hoạt chất Fipronil và Chlorpyrifos Ethyl./.
Hữu Tâm