Hiện nay, nhiều người có thói quen đựng thức ăn đã qua chế biến thậm chí thức ăn tươi sống trong túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa. Điều này sẽ khiến thực phẩm dễ bị thôi nhiễm hóa chất độc hại vào thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
1. Túi nilon có 2 loại:
- Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PVC (Polyvinyl Chloride) và PP (Polypropylen) nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.
- Loại thứ hai chính là túi nilon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Phần lớn túi nilon ở nước ta được sản xuất thủ công từ các nguyên liệu tái chế tại các làng nghề. Trong đó, nguyên liệu chủ yếu là từ túi nilon rác, thậm chí có cả hộp thùng sơn,... Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì...nếu quá trình xử lý không đảm bảo để loại bỏ hết các kim loại này ra khỏi quy trình thì sản phẩm bao nilon thành phẩm cũng có nguy cơ chứa các kim loại nặng đó.
2. Hộp xốp, hộp nhựa, bộ đồ ăn sử dụng một lần được sản xuất bằng cách tạo bọt polystyrene với chất tạo bọt ở nhiệt độ cao. Nó thường được gọi là "nhựa xốp". Trong đó thành phần styrene - là một chất được dự đoán có khả năng gây ung thư ở người.
Quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi nilon, hộp xốp diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt độ. Khi những thực phẩm nóng như cơm, sữa, nước soup từ các món bún, phở, canh ở nhiệt độ 78 - 80oC đựng trong túi nilon sẽ khiến các chất phụ gia nhựa mềm, dẻo hơn, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn, chưa kể đến hàm lượng chì, cadimi được hấp thụ trong quá trình sản xuất. Đối với các loại hộp xốp khi đựng thực phẩm có nhiệt độ nóng, dầu mỡ có nhiệt độ cao, thức ăn có tính axit sẽ giải phóng ra chất styrene gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Vì thế, theo khuyến cáo từ các chuyên gia, tuyệt đối không được dùng túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa (loại không đạt tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm) để đựng thực phẩm, thực phẩm có độ nóng cao, thực phẩm có tính axit như muối dưa, muối cà, củ kiệu,...
Trong trường hợp buộc phải dùng túi nilon, hộp xốp, người sử dụng cần lưu ý: Chỉ đựng những đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài hàng giờ, tiếp xúc với thực phẩm càng lâu sẽ càng tăng nguy cơ phơi nhiễm chất độc hại; không đựng thức ăn trong các loại dụng cụ này để quay trong lò vi sóng mà nên thay bằng những loại dụng cụ bằng sứ, thủy tinh, hộp nhựa chuyên dùng trong lò vi sóng; không dùng các loại thùng sơn, xô nhựa để muối dưa, muối cà, chế biến sữa đậu nành, làm đậu khuôn,...
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm an toàn, sử dụng bao bì chứa đựng thực phẩm đảm bảo, hợp vệ sinh, không lựa chọn thực phẩm đựng trong bao bì, dụng cụ có nguy cơ thôi nhiễm hóa chất độc hại vào thực phẩm.
Thùy Duyên.