Hotline: 0252 3822390 - 0908700379 trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Danh mục
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định

SO SÁNH LIÊN PHÒNG TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

06/03/2023 352 lượt xem

So sánh liên phòng (SSLP) là nhiệm vụ hết sức cần thiết đối với các tổ chức đo lường và là hoạt động không thể thiếu trong việc đánh giá năng lực của các tổ chức xin đăng ký, chỉ định, công nhận và duy trì hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Kết quả của SSLP được cơ quan quản lý và các tổ chức công nhận sử dụng làm bằng chứng hỗ trợ cho việc công bố khả năng đo hiệu chuẩn (CMCs) của các tổ chức, doanh nghiệp ở phạm vi trong nước và quốc tế.

Vai trò của hoạt động SSLP

          Đối với các tổ chức duy trì hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, việc SSLP được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức công nhận quốc tế như Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế (ILAC), Hợp tác công nhận phòng thí nghiệm châu Á Thái Bình Dương (APLAC). Một trong số các yêu cầu đó là: “Các tổ chức được công nhận phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia các chương trình SSLP có liên quan đến lĩnh vực được công nhận, lập hồ sơ đầy đủ về kết quả hoạt động này và thông báo cho tổ chức công nhận”.

          Tuy nhiên, tại Việt Nam, đối với một số tổ chức, việc thực hiện hoạt động này phần lớn mang tính tự phát, không do đơn vị có năng lực tổ chức, không được cấp mã số, giá trị tham chiếu của việc so sánh chưa được xác định rõ ràng và chưa có những chương trình so sánh có quy mô lớn với sự tham gia của các đơn vị uy tín.

          Với vai trò là cơ quan giữ chuẩn đo lường quốc gia, Viện Đo lường Việt Nam (VMI) đã thực hiện một số chương trình so sánh với nhiều cấp độ khác nhau như so sánh chủ chốt, so sánh bổ sung, so sánh song phương với các viện đo lường quốc gia, các tổ chức đo lường quốc tế. Các kết quả so sánh này là bằng chứng kỹ thuật và là căn cứ để VMI được công bố khả năng đo và hiệu chuẩn trên cơ sở dữ liệu của Văn phòng Cân đo Quốc tế (BIPM), làm cơ sở cho việc tham gia ký thỏa thuận toàn cầu về đo lường (thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau CIPM-MRA).

          Tính đến năm 2022, việc SSLP của các tổ chức ở Việt Nam chưa được cơ quan quản lý là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) cấp mã số chương trình, kết quả của các chương trình so sánh này chưa được thông báo cũng như chưa được sử dụng làm bằng chứng đánh giá năng lực kỹ thuật trong việc đăng ký, chỉ định cho các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn chuẩn đo lường và thử nghiệm phê duyệt mẫu phương tiện đo.

          Trong khuôn khổ triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Viện Đo lường Việt Nam (VMI) đã tổ chức chương trình SSLP năm 2022 với sự tham gia của các đơn vị như Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 và Trung tâm Đo lường Quân đội (Bộ Quốc phòng). Mục đích của chương trình nhằm đánh giá tính đúng đắn của việc duy trì hệ thống chuẩn, khả năng đo và hiệu chuẩn của các đơn vị bằng cách xác định mức độ tương đương giữa kết quả hiệu chuẩn của các đơn vị tham gia so với kết quả hiệu chuẩn của đơn vị chủ trì, ở đây là VMI. Với vai trò là cơ quan quản lý, Tổng cục TĐC đã cấp mã số cho chương trình với ba lĩnh vực đo với mã số tương ứng, bao gồm: i) TDC-Đ.SS1: Lĩnh vực năng lượng điện – công tơ chuẩn 3 pha; ii) TDC-AS.SS1: Lĩnh vực áp suất thuỷ lực từ 70 đến 700 bar; iii) TDC-DT.SS1: Lĩnh vực dung tích – bình chuẩn kim loại với thể tích danh nghĩa 10 l.

          Chương trình được thiết kế với những đại lượng đo phổ biến, cùng các phạm vi đo và độ chính xác phù hợp với năng lực hiệu chuẩn của các đơn vị. Quá trình thực hiện bao gồm các công việc: thực hiện lựa chọn mẫu; đảm bảo các đặc trưng kỹ thuật của mẫu so sánh và các phương tiện đo phụ trợ; dự thảo thủ tục kỹ thuật; thống nhất về phương pháp đo và cách thức lấy kết quả; tổ chức luân chuyển mẫu so sánh; đánh giá các điều kiện ảnh hưởng đến mẫu (bù độ lệch, đánh giá độ ổn định trước và sau khi hiệu chuẩn, bù ảnh hưởng của nhiệt độ đến bộ chỉ thị; xử lý độ lệch của giá trị tham chiếu với các so sánh chủ chốt (key comparision) của quốc tế; xử lý kết quả và dự thảo báo cáo kết quả chương trình, thống nhất với các đơn vị tham gia và báo cáo về Tổng cục TĐC.

Kết quả thực hiện và một số khuyến nghị

          Chương trình đã được tiến hành theo đúng tiến độ và thủ tục kỹ thuật đưa ra hoàn toàn thống nhất. Các đơn vị đã hoàn thành nội dung thực hiện của mình, bao gồm tiếp nhận, vận chuyển mẫu; tiến hành đo; xử lý kết quả sau đó luân chuyển mẫu so sánh đến đơn vị tiếp theo. Mẫu so sánh đã được theo dõi và đánh giá tại VMI trước và sau chương trình so sánh để khảo sát và đánh giá độ ổn định dài hạn. Kết quả cho thấy, các mẫu so sánh đều có độ ổn định tốt, đủ tin cậy để công bố.

          Các đơn vị đã thực hiện hiệu chuẩn đảm bảo đúng kỹ thuật đo lường đã xây dựng trong thủ tục SSLP. Kết quả hiệu chuẩn và số lượng thành phần độ không đảm bảo đo được ước lượng đều tuân thủ hướng dẫn của quy trình, không có thành phần độ không đảm bảo đo nào được bổ sung. Kết quả của SSLP là bằng chứng để các đơn vị tham gia có thể nâng cao công tác hiệu chuẩn và đặc biệt là nhận biết cũng như nâng cao CMCs của mình. Cụ thể:

          Đối với lĩnh vực áp suất và dung tích, hệ số |En| của tất cả các đơn vị tham gia so với VMI đều nhỏ hơn 1. Điều này cho thấy kết quả hiệu chuẩn của các đơn vị tham gia với đơn vị tổ chức là tương đương và đáng tin cậy.

 

Hình 1. Lĩnh vực áp suất – một kết quả hiệu chuẩn tại điểm đo 700 bar

 

 

Hình 2. Lĩnh vực dung tích – kết quả hiệu chuẩn bình chuẩn 10 l.

Đối với lĩnh vực điện, kết quả của SSLP có 1 đơn vị ở một vài điểm hiệu chuẩn có |En|>1. Khi đó, đơn vị cần rà soát, kiểm tra lại các kết quả để tìm ra nguyên nhân và thực hiện khắc phục ngay khi có thể.

          Trong thời gian tới, để nâng cao hoạt động SSLP, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Tổng cục TĐC cần quan tâm một số vấn đề sau:

          Một là, cần ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về hoạt động SSLP theo hướng yêu cầu, khuyến khích các đơn vị đăng ký, chỉ định tham gia đối với cả lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn chuẩn đo lường, thử nghiệm phê duyệt mẫu và hiệu chuẩn phương tiện đo.

          Hai là, cần có các kế hoạch, quy hoạch để đầu tư, trang bị thêm các mẫu so sánh đáng tin cậy. Đối với các mẫu áp suất, dung tích và điện chỉ nên sử dụng đối với các chương trình SSLP, không nên sử dụng vào nhiệm vụ dẫn xuất chuẩn và các hoạt động dịch vụ. Đồng thời, cần thường xuyên tham khảo kinh nghiệm từ các chuyên gia đo lường khảo sát, đánh giá độ tin cậy.

          Ba là, đầu tư, trang bị thêm kinh phí cho VMI để thực hiện những so sánh với quốc tế. Từ đó sử dụng các độ lệch đối với giá trị tham chiếu với quốc tế để làm cơ sở đưa ra các giá trị tham chiếu của Việt Nam. Sớm triển khai mở rộng áp dụng việc công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17043 đối với các đơn vị tổ chức và cung cấp dịch vụ SSLP.

          Bốn là, cần tiếp tục mở rộng thêm nhiều chương trình SSLP trong nhiều lĩnh vực khác. Căn cứ vào kết quả so sánh, các đơn vị tham gia có thể triển khai rộng rãi chương trình so sánh đến các tổ chức, doanh nghiệp trong địa bàn hoạt động của mình.

          Có thể nói, SSLP là hoạt động không thể thiếu trong việc duy trì hệ thống quản lý theo ISO/IEC và hoạt động quản lý nhà nước về đo lường. Việc tổ chức hoạt động này là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá năng lực thực tế của các phòng thí nghiệm, nâng cao tính chính xác của kết quả và sự công nhận lẫn nhau về kết quả của phép đo lường hoặc thử nghiệm. Kết quả SSLP cũng là cơ sở về đánh giá năng lực của các phòng thử nghiệm, phòng đo lường để tổ chức chứng nhận, công nhận xem xét khi đánh giá.

Nguyễn Hạnh st

Theo tcvn.gov.vn

Bài viết cùng chuyên mục
Top