Hotline: 0252 3822390 - 0908700379 trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Danh mục
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định

"Quả bom" khẩu trang dùng một lần và giải pháp tái chế

23/07/2021 2513 lượt xem

Trong đại dịch COVID-19, mỗi phút thế giới vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Các loại khẩu trang y tế dùng một lần chứa chất dẻo vi mô và nano cùng các chất độc hại khác đang tạo ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với môi trường.

Tình nguyện viên nhặt những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ ở thành phố Odense, Đan Mạch. Ảnh: Elvis Genbo Xu.

Tình nguyện viên nhặt những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ ở thành phố Odense, Đan Mạch. Ảnh: Tiến sĩ Elvis Genbo Xu.

 

Nguy cơ môi trường tiềm ẩn từ khẩu trang y tế

 

Gần đây, các nghiên cứu ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn là các hạt nhựa vi mô và nhựa nano.

 

Trong một bài bình luận trên tạp chí khoa học Frontiers of Environmental Science & Engineering vào tháng 2/2021, các nhà nghiên cứu cảnh báo: “Với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, cần phải nhận ra mối đe dọa môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa”.

 

Theo họ, khẩu trang đáng lo ngại hơn cả túi nilon, bởi khác với những chai lọ bằng nhựa vốn đang được tái chế với tỷ lệ khoảng 25%, thế giới hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang.

 

“Mối quan tâm mới hơn và lớn hơn là khẩu trang được làm trực tiếp từ các sợi nhựa siêu nhỏ (độ dày khoảng từ 1 đến 10 micromet). Khi bị phân hủy trong môi trường, khẩu trang có thể giải phóng nhiều hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, dễ dàng và nhanh hơn so với các loại nhựa lớn như túi nilon”, các nhà nghiên cứu viết.

 

Đồng tác giả bài báo - TS Elvis Genbo Xu, Đại học Southern Denmark (Đan Mạch) - nói: “Chúng tôi biết rằng, giống như các mảnh vụn nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại, chẳng hạn như hợp chất BPA, kim loại nặng, cũng như các vi sinh vật gây bệnh”.

 

Hiện chưa rõ đóng góp của khẩu trang vào số lượng lớn các hạt nhựa được phát hiện trong môi trường vì chưa có dữ liệu nào về sự phân hủy của khẩu trang trong tự nhiên, tuy nhiên các tác giả bày tỏ lo ngại trước tình hình sử dụng khẩu trang trong bệnh dịch COVID-19 hiện nay.

 

những bức ảnh về khẩu trang bị vứt bỏ trong môi trường ở thành phố Odense, Đan Mạch. Ảnh: Tiến sĩ Elvis Genbo Xu.

những bức ảnh về khẩu trang bị vứt bỏ trong môi trường ở thành phố Odense, Đan Mạch. Ảnh: Tiến sĩ Elvis Genbo Xu.

 

TS Elvis Genbo Xu và đồng tác giả - Giáo sư Kỹ thuật môi trường và dân dụng Zhiyong Jason Ren tại Đại học Princeton (Mỹ), đưa ra một số đề xuất để góp phần giải quyết tình trạng này, bao gồm: tăng cường các thùng rác chỉ dành cho khẩu trang để thu gom và xử lý; xem xét tiêu chuẩn và thực hiện nghiêm ngặt việc quản lý chất thải đối với khẩu trang; thay khẩu trang dùng một lần bằng khẩu trang vải tái sử dụng, và xem xét phát triển các loại khẩu trang phân hủy sinh học.

 

Tái chế "rác khẩu trang" thành vật liệu để xây đường

 

Ở bên kia bán cầu, các nhà khoa học tại Đại học RMIT (Úc) đã chỉ ra cách tái chế những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng làm vật liệu làm đường. Nó là một hỗn hợp gồm khẩu trang dùng một lần đã được cắt vụn và vữa xây dựng đã qua xử lý. Phân tích chỉ ra, khẩu trang giúp bổ sung độ rắn chắc cho vật liệu này, được sử dụng để làm móng của đường và lề đường.

 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment vào tháng 5/2021, và là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về ứng dụng tiềm năng của khẩu trang y tế đã qua sử dụng trong xây dựng dân dụng.

 

Tác giả thứ nhất của bài báo, TS Mohammad Saberian, cho biết cần các phương thức tiếp cận đa ngành và hợp tác để giải quyết tác động môi trường của COVID-19, đặc biệt với những mối nguy từ việc tiêu huỷ các vật liệu bảo hộ y tế (PPE) đã qua sử dụng như khẩu trang y tế.

 

Thông thường, đường gồm 4 lớp cấu thành: lớp đáy móng, lớp móng trên, lớp móng dưới và lớp nhựa đường trên cùng. Tất cả các lớp phải vừa cứng, vừa linh hoạt để chịu được sức ép của xe có tải trọng lớn cũng như chống nứt gãy.

 

Để đáp ứng nhu cầu kinh tế tuần hoàn, người ta đã tìm ra cách dùng vữa xây dựng đã qua xử lý (hay cốt liệu bê tông tái chế) để xây ba lớp móng cơ bản. Bây giờ, đưa thêm một vật liệu tái chế mới vào xử lý là khẩu trang đã qua sử dụng, các nhà khoa học đã xác định được hỗn hợp tối ưu để duy trì liên kết tốt giữa hai vật liệu, gồm 1% khẩu trang cắt vụn và 99% cốt liệu bê tông tái chế. Lượng khẩu trang vụn vượt quá 2% sẽ dẫn đến giảm độ rắn chắc và sức mạnh của lớp móng.

 

Mẫu vật liệu làm từ khẩu trang tái chế dùng một lần được cắt vụn với cốt liệu bê tông tái chế. | Ảnh: RMIT

Mẫu vật liệu làm từ khẩu trang tái chế dùng một lần được cắt vụn với cốt liệu bê tông tái chế. | Ảnh: RMIT

 

Theo nhóm nghiên cứu, hỗn hợp này vượt qua các bài kiểm tra áp lực, acid và chống nước, cũng nhưng kiểm tra sức bền, biến dạng và thuộc tính động lực học, đáp ứng toàn bộ chi tiết kỹ thuật dân dụng liên quan.

 

Để làm ra 1 km đường hai làn xe, cần dùng đến 3 triệu chiếc khẩu trang, tương đương với giảm thiểu 93 tấn rác ra ngoài bãi xử lý.

 

Trước những lo ngại về mức độ “sạch bệnh” của khẩu trang y tế đã qua sử dụng, đã có bằng chứng nghiên cứu đánh giá toàn diện về các kỹ thuật sát trùng do nhóm tác giả thuộc Đại học quốc gia Jeonbuk (Hàn Quốc) và Đại học Duy Tân (Việt Nam) thực hiện.

 

Kết quả này công bố trên tạp chí Science of The Total Environment tháng 12 năm ngoái, phát hiện ra rằng có thể diệt 99,9% virus bằng “kỹ thuật lò vi sóng” đơn giản. Theo đó, có thể dùng dung dịch diệt khuẩn xịt lên khẩu trang rồi quay trong lò vi sóng một phút.

 

Giáo sư Jie Li, người dẫn dắt nhóm nghiên cứu của khoa kỹ thuật thuộc Đại học RMIT, cho biết họ nảy ra ý tưởng này sau khi thấy quá nhiều khẩu trang vứt lung tung trên đường phố nơi họ sinh sống.

 

“Chúng tôi biết rằng dù khẩu trang được vứt đúng nơi quy định, chúng sẽ vẫn bị đưa ra bãi rác hoặc đem đi đốt”, ông nói. “Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo ra khủng khoảng sức khoẻ và kinh tế toàn cầu mà còn gây ra tác động khủng khiếp lên môi trường”.

 

“Nếu có thể khiến cho nền kinh tế tuần hoàn nghĩ về vấn đề rác thải nghiêm trọng này, chúng ta có thể phát triển những giải pháp thông minh và bền vững chúng ta cần”.

 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT cho biết, bên cạnh việc làm vật liệu làm đường, họ cũng đang tìm hiểu việc sử dụng khẩu trang thải bỏ cắt vụn để làm thành phần trong bê tông, với những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn.

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Elvis Genbo Xu,Zhiyong Jason Ren, Preventing masks from becoming the next plastic problem.Frontiers of Environmental Science & Engineering. 15, 125 (2021). https://doi.org/10.1007/s11783-021-1413-7

 

2. Sadia Ilyas, Rajiv Ranjan Srivastava, Hyunjung Kim, Disinfection technology and strategies for COVID-19 hospital and bio-medical waste management, Science of The Total Environment, Volume 749, 2020, 141652, ISSN 0048-9697, https://doi.org/10.1016/j.scitotenv.2020.141652.

3. Mohammad Saberian, Jie Li, Shannon Kilmartin-Lynch, Mahdi Boroujeni, Repurposing of COVID-19 single-use face masks for pavements base/subbase, Science of The Total Environment, Volume 769, 2021, 145527, ISSN 0048-9697, https://doi.org/10.1016/j.scitotenv.2021.145527.

Nguồn:

COVID Face Masks Are a Ticking Plastic Bomb - Scitechdaily

Recycling face masks into roads to tackle COVID-generated waste - RMIT

 

Trang Linh (tổng hợp)

Bài viết cùng chuyên mục
Top