Việc xây dựng kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, yêu cầu và hội nhập quốc tế.
Trong nhiều năm qua, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia của nước ta từng bước phát triển và hoàn thiện. Một trong những mục tiêu quan trọng phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn đến năm 2030 là phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đo lường phục vụ phát triển khoa học công nghệ, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội đất nước, phù hợp kế hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương.
Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia ngày càng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng. Theo quy định của Pháp lệnh Đo lường ngày 06/10/1999, từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn 2004-2010 tại Quyết định số 165/2004/QĐ-TTg ngày 21/09/2004.
Tiếp theo đó, Luật Đo lường được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011. Theo tinh thần của Luật Đo lường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013.
Hệ thống chuẩn đo lường nước ta đang từng bước phát triển và hoàn thiện
Năm 2018, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật số 35/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó Điều số 16 sửa đổi, bổ sung một số một số điều của Luật Đo lường. Cụ thể, thay đổi câu “quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia” thành “kế hoạch phát triển chuẩn quốc gia”, hạ tầng đo lường quốc gia Việt Nam đã được phát triển đồng bộ, mạnh mẽ thông qua các dự án đầu tư phát triển theo từng giai đoạn và hàng loạt dự án tăng cường trang thiết bị hàng năm.
Tính đến nay, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đã có 29/45 đại lượng đo thuộc Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013, bao gồm:
Bảy (07) đại lượng cơ bản: khối lượng, độ dài, thời gian - tần số, cường độ dòng điện, nhiệt độ nhiệt động học, cường độ sáng, lượng chất.
Hai mươi hai (22) đại lượng dẫn xuất: Góc phẳng, dung tích, lưu lượng thể tích chất lỏng, lưu lượng khối lượng chất lỏng, lưu lượng thể tích và khối lượng chất khí, vận tốc khí, lực, độ cứng, áp suất, khối lượng riêng chất lỏng, độ nhớt động học, điện áp, điện trở, công suất, điện năng, điện áp xoay chiều, suy giảm tần số cao, mức áp âm thanh, rung động, độ chói, quang thông, phổ truyền.
Các chuẩn đo lường quốc gia đã xây dựng và được phê duyệt trong thời gian qua có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, giúp Việt Nam tham gia một cách hiệu quả Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA).
Cho đến nay, chuẩn đo lường quốc gia của Viện Đo lường Việt Nam đã trực tiếp thực hiện 31 phép hiệu chuẩn (CMCs), được quốc tế thừa nhận và được công bố trên trang Web của Viện Cân đo quốc tế (BIPM). Đây là cơ sở kỹ thuật quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT).
Các chuẩn đo lường quốc gia được thiết lập, phê duyệt đã làm thay đổi rất cơ bản năng lực đo lường của Việt Nam; nâng cao một cách rõ rệt vị thế của đo lường Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài việc bảo đảm dẫn xuất chuẩn trong nước, Việt Nam đã khẳng định năng lực thực hiện các phép đo mà từ trước vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài như: đo lường điện năng trong mua bán điện với Trung Quốc; đánh giá Biến áp đo lường (TU), Biến dòng đo lường (TI) nhập khẩu trong ngành Điện; đo đếm trong giao nhận dầu thô; đánh giá kỹ thuật trong sản xuất, chế tạo cần cẩu, tầu chở dầu...
Đồng thời, khẳng định năng lực tham gia hoạt động đo lường trong khu vực và quốc tế như: tham gia so sánh liên phòng ở cấp quốc tế nhiều lĩnh vực đo; tham gia đấu thầu và thực hiện đo, hiệu chuẩn đo lường, cung cấp dịch vụ đo lường ở một số nước trong khu vực,...
Các chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt đã phát huy tốt vai trò là chuẩn “gốc” của quốc gia và bảo đảm tốt việc duy trì các đơn vị đo lường pháp định của Việt Nam. Chính vì vậy, chuẩn đo lường quốc gia giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, đúng đắn và chính xác của các phép đo, là cơ sở kỹ thuật hạ tầng để phát triển các ngành khoa học - kỹ thuật, các ngành kinh tế, đảm bảo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế. Phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu tạo cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Bước sang giai đoạn mới, với những điều kiện về khoa học kỹ thuật đo lường thay đổi cùng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của kinh tế xã hội đối với đo lường, việc xây dựng kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, yêu cầu và hội nhập quốc tế.
Việc xây dựng Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 trên quan điểm:
Đảm bảo tính ưu tiên về lĩnh vực phát triển: Bên cạnh việc phát triển các chuẩn đo lường quốc gia thuộc 07 đại lượng cơ bản, chúng ta cần xây dựng và phát triển chuẩn đo lường quốc gia của các đơn vị dẫn xuất, đặc biệt các đơn vị dẫn xuất gắn liền với nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp áp dụng công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ sức khoẻ và môi trường và các đại lượng đã được đầu tư thiết bị đồng bộ trong giai đoạn trước;
Đảm bảo tính khoa học và công nghệ tiên tiến: Yêu cầu cơ bản của chuẩn đo lường là khả năng duy trì, thể hiện đơn vị đại lượng lâu dài, ổn định với độ chính xác cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu này, trong quá trình đầu tư cần lựa chọn trang thiết bị chuẩn đủ tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện duy trì bảo quản sử dụng tại Việt Nam, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới để đảm bảo tính liên kết của chuẩn tới hệ đơn vị quốc tế;
Đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường của chuẩn: Đồng bộ giữa chuẩn được trang bị với thiết bị sao truyền, thiết bị phụ trợ, đảm bảo chuẩn được dẫn xuất đến chuẩn chính của các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường và chuẩn đang sử dụng trong các ngành kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Việc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đo lường trong quá trình đầu tư gắn liền với việc khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả hệ thống chuẩn đo lường quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội;
Đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý theo nguyên tắc tận dụng tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực chuyên môn hiện có;
Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế xã hội: Ưu tiên phát triển những lĩnh vực chuẩn của các đơn vị đại lượng có nhu cầu cấp thiết phục vụ quản lý nhà nước có độ chính xác, phạm vi đo phù hợp hoặc tương đương với trình độ chuẩn của một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... để đáp ứng mục tiêu hội nhập đo lường Việt Nam với đo lường thế giới.
Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 đặt ra mục tiêu theo hướng hiện đại, đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật của cơ quan giữ chuẩn đo lường quốc gia, đáp ứng các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường, nhu cầu đo lường phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 là duy trì, bảo quản và sử dụng 48 chuẩn đo lường quốc gia của 29 đại lượng đã được phê duyệt. Trong đó, đầu tư nâng cấp mở rộng phạm vi đo, nâng cao trình độ 10 chuẩn đo lường quốc gia của 09 đại lượng đã được phê duyệt (bao gồm 01 đại lượng cơ bản và 08 đại lượng dẫn xuất). Đầu tư phát triển mới, bổ sung 44 chuẩn đo lường của 27 đại lượng (bao gồm 11 chuẩn đo lường thuộc 03 đại lượng cơ bản và 33 chuẩn đo lường thuộc 24 đại lượng dẫn xuất) đạt trình độ kỹ thuật đo lường đáp ứng yêu cầu của chuẩn đo lường quốc gia.
Như vậy, phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia trong giai đoạn đất nước đang bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 với những vận hội và thách thức mới của hội nhập quốc tế, tiếp cận nền kinh tế tri thức là hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển khoa học và công nghệ của Đảng. Đến nay, dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 đã được xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Hữu Tân ST
Theo VietQ.vn