Chúng ta theo dõi thông tin về dịch bệnh nhưng phải lựa chọn kênh thông tin đã được thẩm định. Tuyệt đối không like hay chia sẽ những kênh thông tin khi chưa được thẩm định về nguồn thông tin đó có chính xác hay không. Tốt nhất, chúng ta hãy kê khai Y tế tự nguyện tại https://tokhaiyte.vn để nắm bắt được nguồn thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, vì đây cũng chính là kênh thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh.
Khi chúng ta like hay chia sẽ những thông tin giả về dịch bệnh, vô tình làm cho tất cả chúng ta cảm thấy nỗi sợ dịch bệnh đang biến tướng. Và vì sợ hãi quá mức, vì thiếu tìm hiểu thông tin, vì nôn nóng, chúng ta tự nhân đôi nỗi lo lắng của mình lên. Ví dụ: Như hình ảnh một khách sạn treo biển không nhận khách đến từ Vĩnh Phúc (mặc dù chưa biết thật hay giả, nhưng hành vi như thế đã là không tốt đẹp gì) cho thấy chúng ta đang hoảng loạn và có xu hướng khuếch đại mọi thứ liên quan đến dịch bệnh. Vì thế, phải chăng lúc này điều chúng ta cần là bình tĩnh hơn, vì chính mình và vì người khác. Khi chúng ta xúc động, bất an, căng thẳng, lo lắng là lúc chúng ta dễ thành nạn nhân của tin giả. Động cơ của người phát tán những loại tin này chủ yếu là để trục lợi - lợi ích kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ai cũng biết một thông tin sai lệch, một tin đồn về dịch bệnh được tung ra lúc này có thể phá hỏng mọi thành quả mà chúng ta đang xây dựng từ trước đến nay. Và nguy hại hơn, khi cả một cộng đồng sống trong sợ hãi thái quá thì niềm tin bị đánh mất. Để rồi khi những thông tin chính thức, đúng đắn không còn trở nên giá trị vì ai cũng tin vào những tin đồn, những tin phù hợp với nỗi sợ của họ.
Với mỗi người chúng ta, điều cần nhất lúc này có lẽ là thôi nhân lên nỗi sợ hãi bằng những hô hào hay than vãn. Mà chúng ta hãy phòng chống dịch bằng những hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có liên quan, và tin rằng dịch bệnh sẽ qua thôi.
Hữu Tâm