Methanol còn được gọi bằng nhiều cái tên khác là Carbinol, Methyl alcohol, Alcohol gỗ, Naphtha gỗ, Methyl hydrate, Methyl hydroxide, ... Methanol là một chất cồn, có công thức hóa học CH3OH, là loại rượu có tính chất nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước và có mùi đặc trưng.
Methanol được ứng dụng nhiều trong đời sống, lĩnh vực khác nhau như trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính xe, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các loại bếp lò nhỏ,...hay làm dung môi trong phòng thí nghiệm,…
Trong rượu uống được mà nhiều người đang dùng hàng ngày, thành phần chính của nó là ethanol có công thức hóa học là C2H5OH, trong đó có khả năng lẫn cả Methanol. Cả 2 loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Trong đó ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường thì methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Không giống rượu ethanol có thể được sử dụng một cách an toàn thì methanol nguyên chất lại có độc tính, không thích hợp để uống.
Khi uống rượu có chứa methanol thì methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.
Ban đầu methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, nó sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Nguy hiểm hơn nó còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân rượu uống lại có methanol là do: Dùng nguyên liệu có lẫn bã dạng gỗ (cellulose), sản xuất rượu từ loại cồn ethylic kém chất lượng, sử dụng cồn methanol, kông loại bỏ phần rượu chứa methanol lúc đầu,…
Trong thực tế, không thể loại bỏ hoàn toàn methanol trong đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu, bia. Trong bia, lượng methanol có khoảng 6-27mg/l, trong rượu (mạnh) là 10-220mg/l. Ngộ độc rượu do methanol xảy ra rất nhanh. Sau khi uống khoảng 6 - 8 giờ, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, đau đầu, chóng mặt. Các triệu chứng trên kéo dài khoảng 8 giờ thì tử vong. Thời gian từ khi uống tới khi tử vong vì ngộ độc rượu chưa đầy 24 tiếng.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu bia cần thực hiện các nguyên tắc sau:
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Hiện nay, hàm lượng Methanol cho phép trong rượu nói riêng và đồ uống có cồn nói chung được quy định tại Quy chuẩn QCVN 6-3:2010/BYT ngày 03/6/2010 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với đồ uống có cồn.
Hiện nay, tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận, với đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại đã triển khai thử nghiệm xác định hàm lượng Ethanol, Methanol trong rượu, bia và đồ uống có cồn nói chung. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thử nghiệm vui lòng liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận để được tư vấn và hướng dẫn.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận
Địa chỉ: Khu dân cư Bắc Xuân An – P. Xuân An – TP. Phan Thiết – Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3822390 – 0908 700379
Website: tdcbinhthuan.vn
Email: trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Thuỳ Linh