Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông, tóc, móng tay, móng chân, môi,..v..v) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Các loại mỹ phẩm phổ biến gồm có son môi, mascara, phấn mắt, kem nền, phấn má hồng, phấn phủ, sữa rửa mặt và sữa dưỡng thể, dầu gội, sản phẩm tạo kiểu tóc (gel vuốt tóc, gôm xịt tóc,…), nước hoa,...
Vi sinh vật là gì và tại sao cần phải lưu ý đến an toàn nhiễm khuẩn khi dùng mỹ phẩm?
Vi sinh vật là những sinh vật có kích thước rất nhỏ, thường được đo bằng micromet và phải sử dụng kính hiển vi mới quan sát được. Nó bao gồm vi khuẩn, nấm men, v.v… Có thể nói, vi sinh vật tồn tại ở khắp nơi trong tự nhiên như trong không khí, thực phẩm, trong dầu ăn, dầu làm mỹ phẩm, trong đường ruột và trên da của chúng ta. Dựa trên lợi ích của vi sinh vật có thể phân chia chúng thành hai nhóm:
- Vi sinh vật có lợi: Vi sinh vật có lợi có trong thực phẩm, nước uống giải khát, đường ruột hoặc vi sinh vật có lợi trên da,…
- Vi sinh vật có hại: Các loại vi sinh vật gây bệnh cho người, vật nuôi, cây trồng,…
Để có làn da đẹp, ngoài việc chăm sóc da đúng cách, ăn uống phù hợp thì sử dụng mỹ phẩm cũng đóng vai trò quan trọng để giúp làn da đẹp hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm đảm bảo chất lượng và không nhiễm hệ vi sinh vật có hại để tránh làm hư hại đến làn da.
Nếu sử dụng mỹ phẩm có chứa vi sinh vật có hại thì làn da của chúng ta sẽ trở nên yếu hơn, chức năng bảo vệ làn da sẽ bị giảm, lớp biểu bì trên da bị ảnh hưởng, từ đó vi sinh vật có hại sẽ xâm nhập làm tổn thương da nặng hơn. Đối với mỹ phẩm, chúng ta chú ý đến các loài vi sinh vật sau đây sẽ gây loét đỏ, bưng mũ và nấm da.
Một số loại vi sinh vật có hại có thể xuất hiện trong các sản phẩm mỹ phẩm như:
- Trực khuẩn mũ xanh (Pseudomonas aeruginosa): Khi sử dụng sản phẩm mỹ phẩm có nhiễm Pseudomonas aeruginosa, nếu da đã tổn thương như có mụn hoặc vết trầy xước thì khi vi khuẩn tiếp xúc sẽ khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây cảm giác đau, tấy đỏ, chảy dịch. Nếu tình trạng nhiễm trùng này kéo dài, không được điều trị, Pseudomonas aeruginosa có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết.
- Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus): Là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất liên quan đến nhiễm trùng da trên toàn thế giới, bất kỳ độ tuổi, khí hậu hoặc khu vực địa lý. Các biểu hiện lâm sàng chính trên da có thể liên quan đến một số độc tố do vi khuẩn tạo ra, làm phát sinh bệnh lý phong phú và đa dạng. Khi có vết thương hở, mụn kèm theo vệ sinh kém, đề kháng cơ thể yếu thì Staphylococcus aureus sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn kèm mủ, xuất hiện của mụn nhọt, tróc lở và các ổ áp xe trên da.
- Nấm Candida albican: Là loại nấm men sống trong cơ thể và da chúng ta, khi hệ vi khuẩn có lợi trên da mất kiểm soát sự cân bằng của nấm Candida, nấm men sẽ phát triển quá mức và gây nhiễm trùng (gọi là nhiễm trùng nấm Candida).
Vì vậy, khi sử dụng sản phẩm mỹ phẩm, chúng ta cần chú ý đến việc an toàn vi sinh vật trong sản phẩm có đáp ứng theo yêu cầu hay không để có sự lựa chọn tốt. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về quản lý mỹ phẩm, trong đó có quy định về giới hạn cho phép của kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Hiện nay, tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận, với đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại đã triển khai thử nghiệm lĩnh vực vi sinh vật trong các sản phẩm mỹ phẩm. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thử nghiệm vui lòng liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận để được tư vấn và hướng dẫn.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận
Địa chỉ: Khu dân cư Bắc Xuân An – P. Xuân An – TP. Phan Thiết – Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3822390 – 0252 3699699
Website: tdcbinhthuan.vn
Email: trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Ngọc Yến.