Phân bón là những chất, hợp chất được đưa vào đất để làm tăng độ phì nhiêu của đất làm thức ăn cho cây trồng. Chúng chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao. Trong phân bón có chứa những chất dinh dưỡng như đạm (N), lân (P), kali (K).
Phân bón được chia làm 3 nhóm:
Phân bón hữu cơ: Là các loại phân được tạo từ các chất có nguồn gốc tự nhiên (không qua chế biến công nghiệp): Bột photphoric, phân xanh, phân chuồng hoai mục,…
Phân bón hóa học: Là các loại phân bón đã được qua chế biến công nghiệp, như: Phân ure, phân lân nung chảy, phân hỗn hợp NPK…
Phân bón vi sinh: Là các loại phân bón được áp dụng khoa học công nghệ sinh học vào sản xuất phân. Trong phân có đưa vi sinh vật vào phân để cải thiện hệ vi sinh vật đất nhằm cung cấp dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời giải quyết một số vấn đề như: Cung cấp kháng sinh phòng ngừa sâu bệnh, kích thích sự phát triển của cây trồng. Tuỳ theo loại vi sinh vật mà tạo ra các loại phân vi sinh khác nhau: Phân vi sinh cố định đạm cộng sinh, phân vi sinh phân giải lân, phân vi sinh cố định đạm tự do.
Nhu cầu sử dụng phân bón của nước ta ngày càng tăng cao, bên cạnh đó là tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp... khiến thị trường phân bón cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát.
Các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã lợi dụng sự thiếu thông tin, tâm lý ham rẻ của bà con nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn để thực hiện hành vi lừa đảo người tiêu dùng như chiết khấu tỷ lệ cao cho các đại lý bán vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ; bán trả chậm... Sản xuất quy mô nhỏ tại tỉnh này nhưng bán cho các đại lý tỉnh khác với giá rẻ, mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, tránh kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng và nếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh bị kiểm tra phát hiện, họ sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” để rồi cho ra sản phẩm mới, mẫu mã mới, nhãn hàng khác, tiếp tục kiếm lời trên mồ hôi của người nông dân.
Do một số bà con ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế và trước sự tinh vi của các công nghệ làm giả, trong quá trình sản xuất nông nghiệp sử dụng các loại phân bón kém chất lượng khi thấy cây trồng xấu đi, năng suất thấp... thì người nông dân mới cảm nhận được và nhìn thấy rõ chất lượng hiệu quả của các loại phân bón đang sử dụng. Mặc dù bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua phân bón nhưng mùa vụ thất thu. Với vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân đã khó giờ càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân mà còn gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng lớn đến đất đai, nguồn nước bởi các chất độc hại, kim loại nặng có chứa trong phân bón.
Điều này cho thấy việc kiểm soát chất lượng thường xuyên đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thử nghiệm mẫu phân bón cũng như các mẫu khác vui lòng liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận để được tư vấn và hướng dẫn.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận
Địa chỉ: Khu dân cư Bắc Xuân An – P. Xuân An – TP.Phan Thiết – Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3822390; 0908700379
Website: http://www.tdcbinhthuan.vn
Email: trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Trâm.