Hotline: 0252 3822390 - 0908700379 trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Danh mục
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định

Hóa chất trong 1.000 loại thực phẩm chế biến sẵn: Gây hại cho hệ miễn dịch?

26/05/2021 678 lượt xem

Một nghiên cứu thử nghiệm trên động vật cho thấy các loại hóa chất dùng trong thực phẩm ăn liền, còn gọi là chất phụ gia chống oxy hóa, có thể là gây hại cho hệ miễn dịch.

Theo các tác giả nghiên cứu, từ Nhóm Công tác Môi trường (EWG), một tổ chức sức khỏe phi lợi nhuận, các hóa chất này gồm chất bảo quản tert-butylhydroquinone (TBHQ), có trong các loại đồ ăn vặt như Kellogg’s Pop-Tarts, Cheez-Its cũng như hơn 1.000 loại thực phẩm khác; và các chất per-, polyfluoroalkyl (PFAS), là một nhóm hóa chất có trong bao bì có thể ngấm vào thực phẩm.

Nghiên cứu được công bố ngày 24/3 trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng, cho thấy những hóa chất trong các loại thực phẩm chế biến sẵn này có những ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật. Tuy nhiên, kết quả từ những nghiên cứu này không được thực hiện trên người, vì vậy nghiên cứu này chưa thể khẳng định rằng những hóa chất này gây hại cho hệ thống miễn dịch ở người.

Nhưng theo Tiến sĩ Kenneth Spaeth, chuyên gia về môi trường và nghiệp vụ y khoa tại tổ chức Northwell Health ở Great Neck, New York, người không tham gia vào nhóm nghiên cứu, bình luận rằng “những phát hiện này đã đủ để dấy lên mối quan ngại của chúng ta”. Tiến sĩ Spaeth trả lời trên tờ Live Science: “Các sản phẩm mà nhóm tác giả đã nghiên cứu đều là các sản phẩm thực phẩm rất phổ biến, được sử dụng rộng rãi. Đây là một điều đáng chú ý, bởi vì có nguy cơ là chúng ta càng ăn nhiều những đồ ăn có chứa những chất hóa học này thì sẽ càng có hại”.

Trước đây đã có một số vấn đề về an toàn sức khỏe do các chất có trong thực phẩm chế biến sẵn và phụ gia thực phẩm gây ra. Một số hóa chất này có sẵn trong thực phẩm vì nhà sản xuất đã trực tiếp thêm vào, còn một số chất có trong thực phẩm là do sự phân hủy của các hóa chất khác, và một số chất như PFAS, có thể nhiễm vào thực phẩm qua bao bì. “Vì những lý do đó, điều quan trọng là chúng ta phải đảm bảo rằng các sản phẩm chúng ta đang sử dụng và thực phẩm chúng ta đang ăn cần được kiểm tra, đánh giá tất cả các mối nguy hại tiềm ẩn mà chúng có thể gây ra. Các nghiên cứu như này là một phương tiện giúp ta theo dõi”, Kenneth Spaeth nói.

Các tác giả nghiên cứu cho biết cần ưu tiên thử nghiệm các hóa chất này và các tác động có khả năng gây hại của chúng và họ kêu gọi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét các nghiên cứu khoa học mới nhất về TBHQ và các phụ gia thực phẩm khác.

Các hóa chất này liệu có độc hại?

Các nhà nghiên cứu của EWG đã phân tích dữ liệu từ chương trình Dự báo Độc tính (ToxCast) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, một chương trình tự động sàng lọc một lượng lớn hóa chất dựa vào tác động của chúng đối với tế bào trong các loại thực phẩm và protein trong phòng thí nghiệm. Họ muốn kiểm tra xem Chương trình có thể dự đoán khả năng gây hại của hóa chất đối với hệ thống miễn dịch tốt như thế nào. Họ đã phân tích dữ liệu ToxCast để xác định các hóa chất thường có mặt trong - hoặc biến mất trong thực phẩm như thế nào, chẳng hạn như TBHQ và PFAS, ảnh hưởng đến gene và protein có chức năng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các tài liệu khoa học để xem liệu các nghiên cứu đã chỉ ra có một chất hóa học nào ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch hay không.

Đối với TBHQ, kết quả thử nghiệm ToxCast và tổng quan tài liệu đều chỉ ra rằng hóa chất này ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Các tác giả nghiên cứu viết, những thử nghiệm ToxCast cho thấy TBHQ ảnh hưởng đến các protein, chẳng hạn như chemokine và cytokine, các protein “chịu trách nhiệm” điều phối phản ứng của hệ thống miễn dịch với mầm bệnh. Các tác giả đã viết trong công bố rằng, theo tổng quan tài liệu và các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy TBHQ có liên quan đến những thay đổi trong chức năng miễn dịch và điều hòa miễn dịch, điều chỉnh tăng hoặc giảm phản ứng miễn dịch.

Còn đối với PFAS, đã có những nghiên cứu dịch tễ học và động vật trước đây cho thấy các hóa chất này có thể gây độc cho hệ thống miễn dịch. Mức PFAS cao hơn ở người có liên quan đến việc sản sinh kháng thể thấp hơn khi tiêm chủng. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2013 trên Tạp chí Immunotoxicology đã chỉ ra, những đứa trẻ tiếp xúc với lượng hóa chất PFAS cao từ lúc còn trong bụng mẹ có khả năng sản sinh kháng thể kém hơn khi được tiêm chủng.

Tuy nhiên, trong dữ liệu của chương trình ToxCast thì không thấy các ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của PFAS. Ví dụ, theo các thử nghiệm của ToxCast, PFOA - một loại PFAS, được các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng có thể ức chế hệ thống miễn dịch của con người - chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi một trong số 19 phân tử trong hệ miễn dịch được thử nghiệm.

Về phía các nhà cung cấp thực phẩm đóng hộp, họ cho rằng đang sử dụng các hóa chất đã được FDA phê duyệt. Người phát ngôn của Kellogg, Kris Bahner cho biết, "TBHQ là một chất chống oxy hóa phổ biến, được FDA cho phép sử dụng. Nhiều công ty sử dụng chúng trong nhiều sản phẩm để giúp bảo vệ hương vị và độ tươi của thực phẩm".

Còn các tác giả cho rằng, FDA đã phê duyệt TBHQ từ nhiều thập kỷ trước. Các cơ quan quốc gia và quốc tế, chẳng hạn như Chương trình Nghiên cứu Độc tố Quốc gia Hoa Kỳ và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, đã cân nhắc sử dụng TBHQ ở mức độ an toàn, nhưng họ luôn cảnh giác với các ảnh hưởng của hóa chất đối với hệ thống miễn dịch.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc FDA đánh giá các thành phần hóa chất này và kiểm tra độ an toàn của tất cả các hóa chất được sử dụng trong thực phẩm đóng gói sẵn là rất quan trọng”, ông Scott Faber, phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề chính phủ tại EWG cho biết.

Nhưng thông tin nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở tính cảnh báo chứ chưa đủ lời khuyên cho người tiêu dùng biết nên lựa chọn mua thực phẩm như thế nào. Ông Spaeth nói, kết quả của nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác cảnh báo về các phụ gia của thực phẩm đóng gói, đã đặt người tiêu dùng vào thế khó xử, vì đa phần người tiêu dùng thông thường không thể biết trong thực phẩm có các hóa chất này hay không. Không phải tất cả các hóa chất có trong thực phẩm đều được liệt kê trong phần nguyên liệu thành phần của các sản phẩm thức ăn đóng gói sẵn, bởi một số hóa chất, như PFAS không phải là chất phụ gia trực tiếp.

“Khi chúng tôi tìm hiểu thêm về các chất gây ô nhiễm thực phẩm, đối với những chất đã được chứng minh là có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng có thể có kiến ​​thức về tác hại tiềm ẩn của chúng, nhưng lại không có đủ thông tin để giúp họ cân nhắc xem có nên mua hay không” ông Spaeth nói thêm.

Nguyễn Nam dịch (Theo Livescience)

Bài viết cùng chuyên mục
Top