Hotline: 0252 3822390 - 0908700379 trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Danh mục
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định

ETHYLENE OXIDE LÀ GÌ ?

14/11/2021 2345 lượt xem

Ethylene oxide (có các tên gọi khác như Alkene Oxide, Dimethylene Oxide, EO, ETO, Oxane, Dihydroxirene, Oxacyclopropane, Oxirane) là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học là C2H4O. Ở nhiệt độ 25oC, EO là một chất khí không màu, có mùi ngọt đặc trưng và rất dễ cháy nổ. Ethylene oxide dễ tan trong nước, ethanol, dietyl ete và nhiều dung môi hữu cơ.

Chất ethylene oxide thường được sử dụng làm hóa chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác. Ethylene oxide ở dạng khí được sử dụng rộng rãi như một tác nhân để tiệt trùng vật tư dụng cụ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm và thú y. Nó được sử dụng cho các dụng cụ không chịu được nhiệt, độ ẩm hoặc hóa chất mài mòn như thiết bị điện tử, thiết bị quang học, giấy, cao su và nhựa. EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc).

Con người có thể tiếp xúc với EO thông qua việc hít thở (do chất này có thể có trong không khí môi trường sống hoặc môi trường làm việc) và ăn uống hằng ngày (thực phẩm, đồ uống). Ngoài ra, con người cũng có thể tiếp xúc với EO có trong khói thuốc lá và sử dụng các sản phẩm đã được khử trùng bằng chất này như các sản phẩm y tế, mỹ phẩm, thực phẩm.

Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm ethylene oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Cụ thể, chất này khi nhiễm vào cơ thể, sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư, đột biến gen, tác nhân gây vô sinh. EO ở dạng khí có thể gây ra các phản ứng với cơ thể con người như kích ứng da, đau đầu,  nôn mửa, khó thở, tiếp xúc lâu có thể gây nguy cơ về tim, tê liệt, hôn mê.

Tại châu Âu, EO được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Tại nhiều nước trong EU, hàm lượng ethylene oxide trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide. Việc sử dụng EO như một hoạt chất trong các sản phẩm bảo vệ thực vật ở EU không được chấp thuận. Tuy nhiên, theo chỉ thị EU số 91/414/EEC về quản lý các sản phẩm bảo vệ thực vật, mức dư lượng giới hạn EO trong sản phẩm là 0,05mg/kg. Theo quy định Reg. 1223/2009/EC của Hội đồng châu Âu, chất ethylene oxide ở dạng khí được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản, và ở loại 3 về độc tính cấp tính.

Hiện nay, có một số quốc gia đưa ra quy định về hàm lượng EO trong sản phẩm thực phẩm, như Mỹ và Canada quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng là 7 mg/kg với EO; 940 mg/kg với 2-chloroethanol. Hàn Quốc giới hạn tạm thời đối với 2- chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg với thực phẩm cho trẻ sơ sinh. Tại EU, ethylene oxide bị cấm sử dụng khử trùng, lưu trữ thực phẩm, ngưỡng tối đa chất EO có trong chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ là 0,1 mg/kg. Các loại hạt có dầu thì ngưỡng tối đa EO cho phép là 0,05 mg/kg; trái cây, rau, nấm; các loại ngũ cốc và sản phẩm từ động vật là 0,02 mg/kg. Các sản phẩm trồng trọt dư lượng EO được phép tối đa 0,05 mg/kg.

Tại Việt Nam hiện nay, theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, về thuốc trừ sâu có 861 hoạt chất với 1.821 tên thương phẩm và không có tên hóa chất Ethylene oxide. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT), thì có 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản cấm sử dụng, nhưng cũng không có tên hoạt chất Ethylene oxide.

Tại Thông tư 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 - Giới hạn dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm; Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 - Danh mục Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm; Thông tư 05/2018/TT-BYT ngày 05/4/2018 - Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì  Ethylene Oxide cũng không nằm trong danh mục các chất được có mặt trong thực phẩm./.

Văn Tình (tổng hợp)

Bài viết cùng chuyên mục
Top