Lương thực, thực phẩm là một trong những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, là nguồn dinh dưỡng để duy trì cuộc sống. Thế nhưng, lương thực, thực phẩm cũng là một trong những nguồn truyền bệnh nguy hiểm nhất cho con người nếu như không được đảm bảo vệ sinh an toàn. Trong những năm gần đây, vấn đề ngộ độc thực phẩm đã xảy ra hầu hết các tỉnh ở nước ta. Một trong những nguyên nhân gây nên ngộ độc là ăn phải thức ăn có nấm mốc chứa độc tố Aflatoxin. Chính vì vậy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề hết sức quan trọng.
Aflatoxin là độc tố được tiết ra từ nấm Aspergillus và A.parasiyicus. Aflatoxin là tinh thể trắng, bền với nhiệt, không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường (ở 120oC, phải đun 30 phút mới mất tác dụng độc), đồng thời nó rất bền với các men tiêu hóa. Vì vậy, khi đem rang, nấu, luộc lạc, ngô... bị mốc ở nhiệt độ rất cao nhưng độc tố vẫn không bị phá hủy hoàn toàn.
Trong tự nhiên, có ít nhất 13 dạng Aflatoxin khác nhau. Dưới đây, bài viết đề cập đến 06 loại Aflatoxin thường gặp trong thực phẩm.
* Aflatoxin B1 & B2: được sinh ra bởi Aspergillus flavus và A. parasiticus.
* Aflatoxin G1 & G2: được sinh ra bởi Aspergillus parasiticus.
* Aflatoxin M1: chất chuyển hóa của Aflatoxin B1 trên người và động vật (trong sữa mẹ có thể phơi nhiễm tới mức ng).
* Aflatoxin M2: chất chuyển hóa của Aflatoxin B2 trong sữa của bò được cho ăn thức ăn nhiễm Aflatoxin.
Trong các loại Aflatoxin, Aflatoxin B1 được coi là dạng độc nhất và được sản sinh bởi Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Aflatoxin M1, M2 thường được phát hiện trong sữa của bò được cho ăn bởi các loại hạt bị nhiễm nấm mốc. Các độc tố này là sản phẩm của một quá trình chuyển hóa trong gan động vật. Tuy nhiên, Aflatoxin M1 cũng có mặt trong sản phẩm lên men bởi Aspergillus parasiticus.
Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa độc tố Aflatoxin vào danh mục các chất phải quản lý, đồng thời yêu cầu các loại thực phẩm phải kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa hàm lượng độc tố Aflatoxin vượt quá mức giới hạn cho phép.
Bên cạnh việc thực hiện giải pháp phòng ngừa ở gia đình cũng như cơ sở chế biến thực phẩm như bảo quản, sử dụng thực phẩm đúng cách, quan tâm theo dõi, kiểm tra về cảm quan chất lượng thực phẩm,…Tuy nhiên, những giải pháp này mang yếu tố chủ quan, chưa kiểm tra, theo dõi, xử lý triệt để độc tố Aflatoxin trong thực phẩm. Giải pháp cốt lõi cần quan tâm là kiểm nghiệm chất lượng, định lượng độc tố chính xác tại cơ sở xét nghiệm chuyên ngành.
Với những trang thiết bị hiện đại như máy sắc ký lỏng cao áp HPLC, máy sắc ký lỏng đa tứ cực LC/MS/MS, máy sắc ký khí GC/MS/ECD/NPD, máy quang phổ phát xạ cặp cảm ứng Plasma ICP-OES - OPTIMA 7300DV,…. Có thể nói phòng Thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL trực thuộc Chi cục TC-ĐL-CL Bình Thuận luôn là phòng thử nghiệm trọng điểm của tỉnh, luôn đón đầu nhu cầu kiểm nghiệm của thị trường, giúp các Doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ được chất lượng sản phẩm đầu ra, nâng cao vị thế cạnh tranh về sản phẩm nông sản & thủy sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Hiện nay, phòng Thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL thực hiện phân tích chỉ tiêu độc tố Aflatoxin trên thiết bị sắc ký lỏng cao áp HPLC với giới hạn phát hiện: tổng Aflatoxin là 4µg/kg, Aflatoxin từng chất là 1µg/kg, thời gian phân tích khá nhanh trong 2 ngày kể từ lúc nhận mẫu. Bên cạnh đó, phòng Thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL luôn duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; được Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá chỉ định là phòng thử nghiệm Ngành Nông nghiệp & PTNN; được Bộ Y tế chỉ định là cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Quý khách hàng có nhu cầu, xin liên hệ:
Trung tâm Kỹ Thuật TC-ĐL-CL
Địa chỉ: Khu dân cư Bắc Xuân An, P. Xuân An, TP. Phan Thiết, T. Bình Thuận
Điện thoại liên hệ: 0252. 3822390
Hữu Tâm