CODEX THÔNG QUA MỘT SỐ DỰ THẢO TIÊU CHUẨN MỘT SỐ LOẠI RAU THƠM VÀ SỬA ĐỔI TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI DẦU MỠ ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT
Thông qua một số Dự thảo tiêu chuẩn một số loại rau thơm
Hội nghị lần thứ 4 Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Gia vị và các loại rau thơm diễn ra đầu năm 2019 tại Kerala (Ấn Độ) với sự tham dự của các đại biểu đến từ 26 quốc gia, 1 tổ chức thành viên và 1 tổ chức quan sát viên. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thông qua một số Dự thảo tiêu chuẩn một số loại rau thơm, gồm:
Dự thảo tiêu chuẩn Codex ở bước 5/8 đối với tỏi khô hoặc tỏi sấy khô. Thông qua các Dự thảo tiêu chuẩn Codex ở bước 5 đối với Dự thảo tiêu chuẩn lá kinh giới cay khô; Dự thảo tiêu chuẩn gừng dạng bột khô, dạng thân rễ, dạng củ; Dự thảo tiêu chuẩn đối với húng quế khô và Dự thảo tiêu chuẩn đối với đinh hương khô.
Hội nghị cũng thống nhất việc trình 2 dự án công việc mới lên CAC để thông qua, đó là Dự án xây dựng tiêu chuẩn Codex đối với cây bạch đậu khấu và nghệ khô.
Những Dự thảo này khi được ban hành thành tiêu chuẩn sẽ góp phần giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn. Đồng thời, là cơ hội “giải quyết các mối quan tâm của các quốc gia đang phát triển trong sản xuất và giao thương các loại gia vị và rau thơm”.
Sửa đổi tiêu chuẩn đối với các loại dầu động vật, thực vật
Dầu động vật, thực vật và dầu từ các sản phẩm có nguồn gốc từ biển là thực phẩm và thành phần thực phẩm quan trọng được mua bán trên toàn cầu. Việc soát xét các tiêu chuẩn Codex sẽ giúp người tiêu dùng, nhà cung cấp, nhà bán lẻ và cơ quan quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm này.
Việc sửa đổi tiêu chuẩn cho các loại dầu mỡ động vật, thực vật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay đã được hơn 50 đại biểu đến từ 42 quốc gia thành viên và 7 tổ chức quan sát viên tập trung thảo luận tại Hội nghị lần thứ 26 Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Dầu mỡ động vật, thực vật diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Đoàn Việt Nam có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) và một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dầu thực vật tham dự. Tại hội nghị này, đoàn Việt Nam đã đề xuất đưa chỉ tiêu axit béo tự do của dầu gạo như một chỉ tiêu chất lượng của tiêu chuẩn Codex về định danh các loại dầu (Codex Stan 210-1999).
Theo ông Purwiyatno Hariyadi, Phó Chủ tịch Ủy ban Codex quốc tế: “Khía cạnh của an toàn, chất lượng và giá trị thực tế của dầu mỡ động vật, thực vật là rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia trong chuỗi cung cấp dầu và mỡ động vật, thực vật từ trang trại đến bàn ăn trên toàn thế giới”.
Việc sửa đổi tiêu chuẩn cho các loại dầu thực vật như: Bổ sung acid oleic cao vào dầu cọ; Sửa đổi tiêu chuẩn dầu Oliu; Thay đổi nhiệt độ để phân tích chỉ số khúc xạ và tỷ trọng biểu kiến, thay thế chỉ số axit bằng axit béo tự do cho dầu cọ nguyên chất và chất lẫn axit béo tự do cho dầu hạt cọ thô… được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận.
Hội nghị cũng đã đạt đồng thuận cao về việc các chất chống oxy hóa, chất chống tạo bọt và chất nhũ hóa (Lecithin, Tricalcium Citrate, Tripotassium citrate, Ploglycerol esters của axit béo, Stearoyl lactylates), các tiêu chuẩn Codex về chất béo và dầu được sử dụng theo Bảng 1 và 2 của Tiêu chuẩn chung về Phụ gia thực phẩm trong nhóm thực phẩm về Dầu và chất béo thực vật và các nhóm thực phẩm liên quan.
Hội nghị cũng thống nhất đề xuất loại bỏ Sodium sorbate (INS 201) khỏi danh mục chất bảo quản trong tiêu chuẩn nhóm chất béo dạng phết và sản phẩm dạng phết hỗn hợp./.
Theo Tạp chí Thử nghiệm ngày nay (Số 17 Tháng 03/2019)