Ngày 14/10/1946 ở Luân Đôn, Luân Đôn đại biểu đến từ 25 quốc gia đã quyết định tạo ra một tổ chức quốc tế để tạo điều kiện tiêu chuẩn hóa, tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) đã chính thức được thành lập một năm sau đó. Đến năm 1970, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới lần đầu tiên được tổ chức, là ngày tôn vinh những nỗ lực của hàng ngàn chuyên gia tự nguyện phát triển các tiêu chuẩn chung trong các tổ chức phát triển các tiêu chuẩn như Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU)…
Mục đích của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới là nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, ngành công nghiệp và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc tiêu chuẩn hóa cho nền kinh tế toàn cầu; khích lệ, lôi cuốn mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ và mọi tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hoá và tri ân những nỗ lực hợp tác của hàng nghìn chuyên gia trên toàn thế giới, những người đã phát triển các thỏa thuận kỹ thuật tự nguyện (công bố dưới dạng Tiêu chuẩn quốc tế) chia sẻ bí quyết và chuyên môn của họ để phát triển các tiêu chuẩn quốc tế với mục đích thúc đẩy thương mại, phổ biến các kiến thức và tiến bộ khoa học công nghệ.
Từ năm 2021, 03 tổ chức cùng thống nhất chủ đề “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” (Standards for SDGs - Our shared vision for a better world) như một hành trình kéo dài nhiều năm nhằm thể hiện vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG). Trong đó mục tiêu Phát triển bền vững 3 là chăm sóc sức khỏe an toàn và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, nhằm đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
Nguyễn Hạnh