Hầu hết các thông tin về sản phẩm đều được nhà sản xuất ghi trên bao bì. Các sản phẩm là thực phẩm chế biến sẵn xuất hiện ngày một nhiều tại các siêu thị lớn nhỏ hay trong các cửa hàng tạp hóa. Vì vậy, việc trang bị tốt kỹ năng đọc nhãn hiệu bao bì, hiểu được các thông tin đầy đủ và chi tiết về sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng rất nhiều trong việc tìm hiểu, phân biệt và chọn lựa những loại thực phẩm có chất lượng tốt, an toàn và phù hợp nhất cho sức khỏe của mình.
Khẩu phần ăn
Thông tin đầu tiên người tiêu dùng cần chú ý khi đọc các thông tin trên bao bì thực phẩm đó là kích thước khẩu phần ăn (serving size) và số phần ăn trong bao bì (number of servings per container). Đây là thông tin đầu tiên được đề cập trong thành phần dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm. Thông thường, nhãn dinh dưỡng sẽ ghi rõ cả 2 thông tin về khẩu phần chuẩn và số khẩu phần trong mỗi gói thực phẩm. Khẩu phần thường được chuẩn hóa về cùng một đơn vị tính như cup, gram, mililit, miếng...
Khẩu phần là tiêu chuẩn ăn của một người trong một ngày, đáp ứng các nhu cầu về chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. Khẩu phần có ảnh hưởng lớn tới lượng calo và các thành phần dinh dưỡng trong đó. Vì vậy, người dùng cần chú ý tới khẩu phần trong gói thực phẩm để tránh tiêu thụ một khẩu phần quá lớn - tương đương với việc dung nạp quá nhiều calo, có thể làm tăng cân.
Lượng calo nạp vào cơ thể
Calo trên nhãn thực phẩm gồm 2 giá trị là lượng calo nói chung và lượng calo có nguồn gốc từ chất béo. Số khẩu phần ăn sẽ quyết định lượng calo tiêu thụ. Thông tin về calo trên bao bì thực phẩm thể hiện việc người dùng đã nạp bao nhiêu năng lượng từ thức ăn, chính vì vậy nên việc chú ý tới lượng calo trên nhãn thực phẩm sẽ giúp mỗi người kiểm soát được cân nặng của mình. Theo quy chuẩn của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), thông tin về calo trên nhãn dinh dưỡng thường ở dạng chữ lớn và bôi đậm để người tiêu dùng có thể dễ dàng xác định ngay từ đầu.
Về các mức độ calo trong thực phẩm: 40 calo là thấp, 100 calo là trung bình và 400 calo là cao. Nếu tiêu thụ quá nhiều calo mỗi ngày thì sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Do đó người tiêu dùng cần chú ý đọc thông tin về mức độ calo trên bao bì và kiểm soát chế độ ăn của mình bằng việc so sánh lượng calo trên bao bì thực phẩm, không tiêu thụ quá lượng hạn định.
Các chất cần bổ sung và hạn chế sẽ được đánh dấu bằng hai màu khác nhau. Trên nhãn chỉ số dinh dưỡng, các chất cần bổ sung cho cơ thể thường được thể hiện bằng màu xanh. Các chất này bao gồm chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi và sắt. Việc ăn đủ các chất này sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ về bệnh tật. Cụ thể, bổ sung đầy đủ canxi giúp giảm nguy cơ loãng xương; ăn đủ chất xơ sẽ thúc đẩy nhu động ruột, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường; chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc, ít chất béo bão hòa và cholesterol... giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Các chất cần bổ sung và hạn chế thường được đánh dấu bằng màu khác nhau.
Trong khi đó các chất cần hạn chế trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm thường được thể hiện trong khung màu vàng. Các chất này gồm có chất béo, kể cả chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri... Nếu tiêu thụ quá nhiều các loại chất này có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như các bệnh lý về tim mạch, ung thư hay huyết áp cao... Vì vậy, người tiêu dùng nên chú ý đọc kĩ các chất nên bổ sung và chất cần hạn chế để có chế độ dinh dưỡng cân bằng và một sức khỏe tốt.
Giá trị dinh dưỡng
Phần trăm giá trị dinh dưỡng thường được thể hiện ở phần dưới cùng của nhãn chỉ số dinh dưỡng, cho biết mỗi khi dùng khẩu phần chuẩn (chế độ ăn chứa 2000 calo), một người sẽ cung cấp bao nhiêu phần trăm chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các thực phẩm được xem là chứa ít dinh dưỡng nếu hàm lượng chất đó thấp hơn 5% và thực phẩm được coi là chứa nhiều dinh dưỡng khi hàm lượng chất đó từ 20% trở lên. Giá trị dinh dưỡng hằng ngày được tính dựa trên chế độ ăn uống trung bình là 2000 calo mỗi ngày. Nếu hằng ngày, một người đang ăn ít hơn hoặc nhiều hơn số calo này thì nên điều chỉnh tỷ lệ phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày cho phù hợp.
Giấy chứng nhận của các tổ chức có uy tín
Sự hiện diện của các tổ chức kiểm định và đánh giá chất lượng thực phẩm uy tín trên sản phẩm sẽ mang đến sự yên tâm hơn cho người tiêu dùng. Giấy chứng nhận hữu cơ của các tổ chức có uy tín có thể kể đến như Tiêu chuẩn hữu cơ của Liên minh Châu Âu, Tiêu chuẩn hữu cơ ORGANIC FARMERS & GROWERS của Anh, Tiêu chuẩn hữu cơ KRAV của Thụy Điển, Tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Hoa Kỳ...
Các loại bao bì, dụng cụ chứa đựng các sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu nước ngoài đều phải đáp ứng được những điều kiện về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bao bì và dụng cụ chứa đựng thực phẩm; đều phải có chứng nhận hợp quy và phải tiến hành công bố hợp quy; theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Lưu ý khi đọc thông tin trên bao bì thực phẩm
- Ưu tiên chú ý tới tỷ lệ phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày;
- Không phải mọi thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn thực phẩm đều tốt cho sức khỏe;
- Lượng calo cần tiêu thụ không phải bắt buộc là 2000 calo/ngày như trên nhãn thực phẩm;
- Cần theo dõi thường xuyên lượng khẩu phần ăn mỗi ngày để tính toán được giá trị của các thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm;
- Chú ý thêm tới ngày sản xuất và hạn sử dụng thực phẩm.
Ngọc Thoa st
(Theo vinalab.org.vn)