Hotline: 0252 3822390 - 0908700379 trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Danh mục
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định
Slide mặc định

AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI LÀM VIỆC TRONG KHÔNG GIAN HẠN CHẾ

18/03/2024 190 lượt xem

Người lao động làm việc trong không gian hạn chế được xếp vào Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Làm việc trong không gian hạn chế là một trong những công việc vô cùng nguy hiểm và dẫn đến tỉ lệ tai nạn lao động cao nhất. Hằng năm có rất nhiều người lao động bị thương và thiệt mạng khi làm việc trong không gian làm việc hạn chế. Ước tính chỉ có khoảng 60% các trường hợp rủi ro được cứu hộ.

Không gian làm việc hạn chế gây nguy hiểm hơn không gian làm việc bình thường vì nhiều lí do như thiếu oxy gây ngất xỉu, có mặt những loại khí độc gây chết người,… Hàng năm, ở Việt Nam cũng có rất nhiều tai nạn chết người xảy ra với các công nhân thi công trong phạm vi không gian hẹp, chưa được kiểm tra kĩ lưỡng về độ an toàn và thiếu các thiết bị an toàn cũng như dụng cụ cấp cứu.

Trong nhiều trường hợp đã xảy ra những thảm kịch dẫn tới hậu quả thương tâm cho cả người cần cấp cứu lẫn người tham gia cứu hộ. Công việc tu tạo máy móc, thiết bị mang điện trong không gian hạn chế có thể dẫn đến những va chạm trực tiếp với nguồn điện dẫn đến tai nạn.

Ngày 25/12/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2018/TT-BLĐTBXH – Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế, theo đó các tổ chức, cá nhân có sử dụng người lao động làm việc trong không gian hạn chế thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo về an toàn lao động tại các cơ sở, tránh các tai nạn, thương vong.

Thế nào là không gian làm việc hạn chế?

Không gian hạn chế là không gian có đầy đủ các đặc điểm sau:

– Đủ lớn để chứa người lao động làm việc;

– Có một hoặc nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại;

– Có một trong các hạn chế hoặc kết hợp các hạn chế như hạn chế không gian, vị trí làm việc; hạn chế việc trao đổi không khí với môi trường bên ngoài; hạn chế lối vào, lối ra bởi vị trí hoặc kích thước (không thuận lợi cho việc thoát hiểm).

Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong không gian hạn chế là những yếu tố có thể gây ra chết người, thương tích, mệt mỏi, suy nhược, bệnh nghề nghiệp (cấp tính hoặc mãn tính) cho con người nếu vào bên trong không gian hạn chế đó, bao gồm:

– Hàm lượng oxy trong không khí không đủ để cung cấp cho người vào làm việc bên trong (nhỏ hơn 19,5% so với thể tích bên trong không gian hạn chế);

– Không khí có chứa chất độc hoặc chất nguy hiểm có thể xâm nhập qua hệ hô hấp của con người (chất độc và chất nguy hiểm ở dạng khí, hơi hoặc bụi);

– Hóa chất có khả năng gây ra phơi nhiễm hóa chất do tiếp xúc qua da;

– Các chất dễ cháy nổ có thể tồn tại ở dạng rắn, lỏng, bụi, hơi hoặc khí nếu gặp nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ;

– Các dòng vật chất không mong muốn từ bên ngoài (rắn, bột, lỏng, khí, hơi) chảy vào không gian hạn chế nơi có người đang ở bên trong, do biện pháp ngăn cách, cô lập không đảm bảo;

– Tiếng ồn vượt quá ngưỡng cho phép;

– Các bộ phận chuyển động và các vật có thể rơi gây va đập, thương tích cho người bên trong không gian hạn chế;

– Bức xạ tử ngoại; Bức xạ tia X; Bức xạ ion hóa;

– Các phần tử mang điện, nguồn điện thiếu kiểm soát dẫn đến điện giật;

– Khả năng nhìn của người lao động bị hạn chế;

– Biến dạng không gian gây mất an toàn;

– Vi sinh vật có hại.

Yêu cầu khi làm việc liên quan đến không gian hạn chế

Đối với người sử dụng lao động hoặc người quản lý trực tiếp tại cơ sở sản xuất phải đảm bảo hoàn thành việc đánh giá rủi ro và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho con người trước khi cấp phép, chấp thuận cho con người vào không gian hạn chế. Nếu kết quả đánh giá rủi ro cho thấy không gian hạn chế có tồn tại nguy cơ ở mức rủi ro cao, có thể gây chết người, thương tích, ngộ độc cho con người khi vào bên trong không gian hạn chế đó thì phải có giải pháp khắc phục các nguy cơ.

Đối với người vào làm việc trong không gian hạn chế cần được huấn luyện đào tạo; có đủ sức khỏe cả về tinh thần và thể chất; biết rõ cấu trúc của khu vực làm việc và biết rõ lối ra vào; biết sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cung cấp; duy trì trao đổi thông tin liên lạc với người bên ngoài, tuân thủ chỉ dẫn của người trực bên ngoài.

Đối với người trực bên ngoài không gian hạn chế phải luôn trực ở bên ngoài không rời vị trí cho đến khi có người thay thế; hiểu rõ các mối nguy và các rủi ro có thể phát sinh; giữ liên lạc và theo dõi với người làm việc bên trong; yêu cầu người bên trong ra ngoài khi cần thiết; giữ các hồ sơ liên quan như danh sách người ra vào, kết quả đo khí,…; luôn có kế hoạch ứng cứu khẩn cấp nếu xảy ra sự cố.

Ngoài ra, cơ sở sản xuất phải đảm bảo không ai được phép vào bên trong trong không gian hạn chế nếu chưa được cấp phép, chấp thuận bởi người có trách nhiệm tại đơn vị. Lối vào không gian hạn chế phải gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và cấm người không có nhiệm vụ liên quan. Khi không có người bên trong và người canh gác vắng mặt thì các lối ra vào không gian hạn chế phải được che chắn phù hợp để ngăn không cho người không có thẩm quyền, không được cấp phép vào bên trong không gian hạn chế.

Bên trong không gian hạn chế phải đảm bảo có đầy đủ ánh sáng cho người vào làm việc; phải đảm bảo việc thông gió tự nhiên phù hợp hoặc cấp đủ không khí sạch vào không gian hạn chế trước và trong suốt quá trình con người làm việc bên trong hoặc phải có biện pháp đảm bảo cung cấp dưỡng khí trực tiếp cho từng người lao động trong không gian hạn chế. Việc thông gió, cung cấp không khí vào không gian hạn chế phải lấy từ một nguồn không khí sạch bên ngoài.

Không khí thải từ bên trong không gian hạn chế ra bên ngoài phải đảm bảo không gây nguy hại cho những người làm việc bên ngoài, xung quanh không gian hạn chế đó. Không ai được phép vào trong không gian hạn chế khi chưa hoàn thành các biện pháp đảm bảo an toàn.

Thùy Duyên

Bài viết cùng chuyên mục
Top